Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

KIẾN NGHỊ ĐỂ ĐỔI MỚI HAY LÀ QUAY LƯNG VỚI DÂN TỘC

Mới đây, trên trang boxit Việt Nam có xuất hiện cái gọi là “Thư ngỏ gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII” của 127 nhân sĩ, trí thức trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII. Thực ra, “thư ngỏ” lần này so với những thư ngỏ, kiến nghị lần trước cũng chẳng khác là bao. Bởi lẽ, khi xem nội dung người ta chỉ thấy một giọng điệu hằn học, những cái nhìn tiêu cực, phê phán một cách phiến diện chứ không phải là kiến nghị để hiến kế hay góp ý vì sự phát triển của đất nước. Cũng chưa rõ là 127 vị nhân sĩ, tri thức kia “họp bàn”, “hội luận” kiểu gì để ra được bản kiến nghị trên hay đó chỉ là do một vài cá nhân có tư tưởng cực đoan, sùng bái “đa nguyên, đa đảng” soạn ra và số người còn lại chỉ là “đánh trống ghi tên”. 


“Thư ngỏ gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII” của 127 nhân sĩ, trí thức trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII

Không cần biết đến các vị nhân sĩ trí thức là uyên thâm, học cao hiểu rộng đến đâu nhưng việc đưa ra những nhận định, đánh giá mang tính phủ nhận hết những thành tựu trong xây dựng và phát triển đất nước là điều khó chấp nhận được. Đến một người dân bình thường, nhất là những người đi qua nhiều thế hệ họ cũng có thể thấy rõ được sự thay đổi lớn lao của đất nước. Từ một nước nô lệ, đấu tranh giành được độc lập, trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước bước ra từ những khó khăn chồng chất, hậu quả nặng nề của chiến tranh, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, đến miếng ăn cũng chưa đủ. Đến nay, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là sự hội nhập quốc tế hết sức năng động, mạnh mẽ. Bằng chứng rõ ràng nhất là các cường quốc lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều coi trọng quan hệ với Việt Nam và thiết lập, nâng tầm quan hệ thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện. Thế nhưng, trong “thư ngỏ” của các vị nhân sĩ, trí thức lại phủ nhận hoàn toàn những thành tựu trên của đất nước. Điều đó có nghĩa mọi sự cố gắng, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển của đất nước đều không được coi trọng hay sao? 

Trong “thư ngỏ” các vị nhân sĩ, tri thức kiến nghị “đổi tên nước”, từ bỏ chủ nghĩa Mác -Lênin, đổi tên Đảng Cộng sản. Như vậy là thành quả cách mạng của cả dân tộc Việt Nam, toàn thể nhân dân Việt Nam, những hy sinh xương máu của biết bao thế hệ ông cha kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình của Tổ quốc đã bị quay lưng bởi thiểu số những nhân sĩ ở tuổi “xế chiều”. Con đường phát triển của quốc gia, dân tộc là lựa chọn của toàn thể nhân dân, nó hoàn toàn không phải quyết định bởi một cá nhân hay nhóm thiểu số nào. Bước ra từ các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ đất nước nên nhân dân Việt Nam tự chiêm nghiệm được giá trị, thành quả cách mạng và lựa chọn con đường phát triển của đất nước. Hiện nay, Việt Nam cần đổi mới để phát triển đất nước chứ không phải là đa nguyên, đa đảng hay quay lưng với lịch sử dân tộc, với lựa chọn của nhân dân Việt Nam. 

Một điểm nữa mà trong các “thư ngỏ”, “kiến nghị” đã xuất hiện là đưa ra luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo đất nước đi theo con đường lệ thuộc vào Trung Quốc. Lịch sử của dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm cho thấy rõ chưa bao giờ nước ta chấp nhận sự đô hộ hay lệ thuộc vào phương Bắc. Ý chí về độc lập, tự cường, tự chủ và tự tôn dân tộc là nguồn mạch kết nối các thế hệ con người Việt Nam. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam không chỉ có quan hệ với Trung Quốc mà còn với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hơn nữa, nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nga… cũng hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Toàn cầu hóa làm gia tăng sự ảnh hưởng và đan xen lợi ích giữa các quốc gia ngày càng rõ rệt. Trong khi đó, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đang cần phát huy mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Việt Nam chấp nhận đánh đổi chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc hay sự lệ thuộc về chính trị nào từ bên ngoài.

Tâm Ngôn 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét