Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

CẦN QUAN SÁT, PHÂN TÍCH VÀ CÓ CÁI NHÌN ĐÚNG ĐẮN HƠN!

Đã 37 năm kể từ mùa xuân năm 1979, chúng ta đẩy lùi cuộc xâm lấn mà chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh tiến hành đối với nước ta. Đến giờ vẫn có câu hỏi: Vì sao không tưởng niệm các liệt sĩ trong cuộc chiến này? Vì sao không đưa vào chương trình sách giáo khoa? Có phải nhà nước ta sợ hãi trước chủ nghĩa bành trướng của phương Bắc?



Không, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ sợ hãi và không bao giờ sợ hãi trước một thế lực hiếu chiến, trước những kẻ xâm lăng dù chúng mạnh hơn ta nhiều lần cả về lực lượng & vũ khí trang bị.

Dân tộc Việt Nam đã dạy cho những kẻ ôm mộng bành trướng nhiều hơn một bài học về chính nghĩa, về tinh thần độc lập - tự chủ, tự lực - tự cường,"nhất định không chịu làm nô lệ".

Người dân Việt Nam, nhà nước Việt Nam trân trọng lịch sử, thành kính biết ơn trước lớp lớp thế hệ những anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hi sinh xương máu và ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Hàng năm chúng ta vẫn tổ chức các lễ hội truyền thống tưởng nhớ các bậc minh quân, công thần, tướng lĩnh, quân sĩ trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Chúng ta có sợ hãi không khi các lễ hội như lễ hội đền Gióng, lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ "khao lề thế lính Hoàng Sa"... được khôi phục và tổ chức với quy mô quốc gia. Chúng ta không lãng quên lịch sử,chưa bao giờ và không bao giờ lãng quên lịch sử.

Chúng ta kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa với phong trào cách mạng Việt Nam mà còn có tác động to lớn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng dân tộc - dân chủ trên toàn thế giới.

Chúng ta kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4/1975,đó là Ngày Chiến Thắng - ngày toàn thắng. Ngày Nam Bắc một về chung một nhà, non sông một dải, thống nhất, toàn vẹn. 

Chúng ta không lãng quên lịch sử, mãi mãi khắc ghi công lao của những anh hùng liệt sĩ, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã cống hiến xương máu cho dân tộc này, Tổ quốc này. Chẳng thế mà chúng ta lấy ngày 27/07 hằng năm để tri ân các anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh.

Chúng ta có sợ hãi không? Chưa bao giờ và không bao giờ có khái niệm sợ hãi trong lịch sử dân tộc.

Vậy có hay không việc chúng ta không nhắc tới cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 1979? Không, chúng ta vẫn tuyên truyền phổ biến rộng rãi, theo cách này hay cách khác nhằm tôn vinh lịch sử, giáo dục tinh thần yêu nước và cảnh giác cách mạng trước các mối đe dọa mang tính lịch sử và thời đại đối với độc lập chủ quyền quốc gia, dân tộc một cách phù hợp nhất. Và chắc rằng những ngày đau thương, tang tóc trong mùa xuân năm 1979 chưa phải là xưa cũ và sẽ còn được nhắc đến trong sách sử về tội ác của bè lũ bành trướng xâm lăng. 

Tuy nhiên, nhắc đến như thế nào, nhắc ở đâu? Ăn tùy nơi, nói tùy chỗ. Chúng ta làm những gì, nói những gì cũng phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Các diễn biến trên biển Đông thời gian qua cho thấy Việt Nam có sợ hãi hay không. Trên mọi diễn đàn quốc tế, chúng ta công khai quan điểm, đấu tranh có hệ thống cũng như kiên quyết khẳng định chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm! Những ai tai nghe chưa tinh, mắt thấy chưa tường, còn phát biểu một cách thiếu suy nghĩ về cách ứng xử của Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong các vấn đề chủ quyền, trong quan hệ quốc tế. 

Thiết nghĩ nên quan sát, phân tích và có cái nhìn đúng đắn, toàn diện hơn.

Trung Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét