Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, vấn đề lợi ích quốc gia nổi lên trong mọi quan hệ quốc tế. Từ khi Liên Xô tan rã, hàng loạt quốc gia thay đổi chế độ chính trị. Sự xuất hiện các cường quốc mới, các cuộc chiến tranh cục bộ, cách mạng màu, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ, khủng bố và các cuộc chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng... đã gợi ra cách nhìn mới về lợi ích quốc gia, dân tộc.
Văn kiện Đại hội XII đã thống nhất nhiều vấn đề quan trong trong phát triển kinh tế - xã hội |
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo, có vị thế mới trên thế giới và khu vực ASEAN. Song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn mới để phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đại hội XII của Đảng sẽ đề ra những quyết sách mới đưa sự nghiệp đổi mới đi lên, trong đó vấn đề lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, ưu tiên cao nhất và lợi ích cao nhất của Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đặt ra hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, trong đó nhiệm vụ xây dựng đất nước được ưu tiên đặt lên trên, nhưng về cơ bản lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam vẫn là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và bảo vệ sự ổn định của hệ thống chính trị. Hiện nay, nội hàm của lợi ích quốc gia dân tộc ngoài bao gồm những yếu tố như trên còn có lợi ích to lớn trong việc thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đi cùng với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam hiện nay là tổng hòa giữa lợi ích cơ bản và lợi ích phát triển. Lợi ích cơ bản là tiền đề không thể thiếu để hiện thực hóa lợi ích phát triển; lợi ích phát triển sẽ góp phần củng cố vững chắc hơn lợi ích cơ bản.
Như vậy, lợi ích quốc gia, trước tiên là chủ quyền quốc gia, dân tộc. Để bảo vệ chủ quyền dân tộc, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh kéo dài gần 40 năm, phải hy sinh nhiều người, nhiều của, tài nguyên thiên nhiên, môi trường bị phá hủy, lòng người ly tán, dân tộc chia rẽ. Hòa bình trong độc lập, tự do luôn là khát vọng của nhân dân ta. Chỉ có hòa bình thì đất nước ta mới phát triển, chủ quyền đất nước mới được bảo vệ vững chắc. Do đó vấn đề gìn giữ hòa bình, giải quyết mọi tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cần thực hiện bằng phương pháp hòa bình, ngoại giao, không để xảy ra xung đột vũ trang, về đối nội cần giữ ổn định chính trị, xã hội, không để xảy ra xung đột sắc tộc, tôn giáo, các tầng lớp dân cư để tránh những can thiệp của các thế lực bên ngoài gây bạo động, phá hoại, lật đổ chính quyền.
Chủ quyền quốc gia là quyền độc lập, tự chủ của một quốc gia dân tộc. Đó là quyền tự quyết dân tộc về đối ngoại và thực thi quyền lực tuyệt đối toàn vẹn về đối nội của một quốc gia trên phạm vi lãnh thổ của mình. Một quốc gia, dân tộc có chủ quyền là một đất nước không bị nước ngoài can thiệp, không bị lệ thuộc, phục tùng ý muốn của nước ngoài, độc lập, tự chủ xử lý, giải quyết mọi công việc về vấn đề đối ngoại của mình, về đối nội, chủ quyền quốc gia thể hiện ở chỗ nhà nước của quốc gia, dân tộc ấy có chủ quyền tối cao trên toàn bộ lãnh thổ và đối với con người, của cải, tài nguyên. Nhân dân thông qua cơ quan quyền lực tối cao của mình tự lựa chọn con đường phát triển đất nước, quyết định chế độ chính trị, chế định lập pháp, lập các cơ quan tư pháp, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, quyết định các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Do đó, khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, bị tổn hại và tước đoạt thì mỗi con người, bao gồm nhiều lợi ích, trong đó có các quyền con người, quyền công dân mất đi sự bảo đảm. Một quốc gia phải giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thì mới có điều kiện để bảo đảm và thực hiện các lợi ích cho mỗi người và cho cả cộng đồng. Nghĩa là, lợi ích quốc gia, lợi ích của mỗi người chỉ được bảo vệ khi giữ vững, bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, đấu tranh và giải quyết các tranh chấp chủ quyền cần thực hiện bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Hiến chương LHQ, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đều để ở vị trí ưu tiên số một quyền dân tộc tự quyết: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chinh trị của mình và tự do phát triền kinh tế, xã hội và văn hóa...”. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị quyền con người châu Á (4- 1993) và một nội dung cơ bản của Hội nghỉ quốc tế về quyền con người tổ chức tại Viene tháng 6-1993 đã lại khẳng định độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết dân tộc là nguyên tắc trong quan hệ quốc tế hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người: “Nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và không sử dụng quyền con người làm công cụ gây sức ép chinh trị...".
Hiện nay chủ quyền quốc gia đang nổi lên như một “tình huống có vấn đề", trở thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh tư tưởng, chính trị và kinh tế ở nhiều quốc gia, các khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Biên giới quốc gia, lãnh hải, hải phận giữa các nước do lịch sử để lại có sự tranh chấp chưa được giải quyết đụng chạm đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền. Những kinh nghiệm và bài học của các quốc gia giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền là những gợi mở để chúng ta tham khảo vì Việt Nam cũng là nơi mà chính phủ và nhân dân đã, đang phải xử lý nhiều vấn đề về lợi ích quốc gia liên quan đến chủ quyền đất nước. Như là việc tranh chấp chủ quyền biển đảo do Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ năm 1974, chiếm và xây dựng các đảo và bãi đá thuộc vùng biển Trường Sa của Việt Nam; việc phân định biên giới sau chiến tranh biên giới năm 1979, việc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu đánh cá Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, cấm đánh bắt cá trên biển Đông...
Trong lịch sử cũng như trong thế giới đương đại, bảo vệ chủ quyền quốc gia là ưu tiên hàng đầu, bởi khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm thi lợi ích quốc gia dân tộc bị tước đoạt và bị tổn hại.
Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và đạt hiệu quả cao là thực tiễn sinh động để Đảng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng, vấn đề lợi ích quốc gia dân tộc được đặc biệt chú trọng trong giải quyết mối quan hệ giữa các lợi ích. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 đổi mới (1986-2016), bài học thứ tư trong 5 bài học nêu rõ: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cũng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Như vậy, qua 30 năm đổi mới, vấn đề lợi ích dân tộc - quốc gia được Đảng ta nhận thức đầy đủ với tư duy mới và đặt đúng vị trí, tầm quan trọng của nó. Lần đầu tiên trong tổng kết quá trình lãnh đạo nói chung, Đảng khẳng định “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết", là một trong những bài học quan trọng, ngang hàng với các bài học về “kiên định”; “dân là gốc”; “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng".
Nếu như văn kiện các kỳ đại hội Đảng trước nêu: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, thì trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh “luôn luôn coi lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng”. Đây là sự khẳng định mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, có ý nghĩa chỉ hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Quá trình hội nhập quốc tế không chỉ “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” mà “phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc” làm xuất phát điểm, làm mục tiêu, đích hướng tới để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại và tham gia hội nhập quốc tế.
Tổng kết bài học “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết” không chỉ là tư duy mới, mà còn phản ánh phương pháp giải quyết hài hòa, đúng đắn mối quan hệ lợi ích của Đảng ta trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.
Đến nay, nước ta đã có quan hệ song phương với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực trên thế giới. Mỗi quốc gia - dân tộc khi hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa đều nhằm làm gia tăng và bảo vệ lợi ích của quốc gia - dân tộc mình. Vì vậy, việc khẳng định “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết” trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XI thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, khách quan của Đảng trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, nhằm bảo đảm sự thống nhất và hòa quyện giữa lợi ích của quốc gia - dân tộc Việt Nam với lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của các cộng đồng dân tộc Việt Nam; đồng thời, đó là mục tiêu, nguyên tắc cao nhất trong các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Dự thảo Văn kiện Đai hội XII của Đảng đã xác định “lợi ích” là một động lực quan trọng cần nhận thức và xử lý tốt cùng với các động lực khác. Trên cơ sở, “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”, phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa các lợi ích và phương thức thực hiện các lợi ích, nhất là về lợi ích kinh tế; đồng thời phải bảo đảm sự công bằng, hợp lý cho các chủ thể ở trong nước.
Việc nêu bật bài học về đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết là chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập khu vực. Với hàng chục FTA đã và đang được ký kết, triển khai, Việt Nam được dự báo trong những năm tới sẽ có nhiều biến đổi sâu sắc. Mỗi chủ thể trong xã hội biết đoàn kết, biết đặt cái chung lên trên cái riêng, thì dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công, tiến trình hội nhập quốc tế nhất định sẽ thắng lợi.
Minh Anh