Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

THỜI GIAN KHÔNG THỂ XÓA ĐI TẤT CẢ!

Chủ quyền đất nước là sự thiêng liêng bậc nhất mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc luôn thành kính tôn trọng và quyết tâm giữ gìn. Có lẽ càng khi lâm nguy thì tinh thần ấy càng được đề cao hơn bất kì lúc nào. Nhân dân một nước độc lập cảm thấy thật trân trọng và biết ơn nền hòa bình mà mình đang có và đang được hưởng còn đối với những số phận mong manh, phải sống trong nỗi đau của chiến tranh, chia ly và sự đau thương mất mát thì lại càng khao khát và hiểu hơn giá trị của 6 chữ: Độc lập, tự do, hạnh phúc. Việt Nam là một đất nước mà nỗi đau chiến tranh đã thấm đẫm và trải dài theo năm tháng của lịch sử, biết bao cuộc chiến đã đi qua từ thời lập quốc, từ phong kiến phương Bắc cho đến đế quốc thực dân, từ ngoại bang cho đến nội quân, từ chủ quyền đất liền cho đến hải phận và không phận… nhưng chúng ta luôn giữ một niềm tin và ý chí: Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.


28 năm đã trôi qua kể từ trận chiến lịch sử trên đảo Gạc Ma vào 14/03/1988 đến nay, đã rất nhiều thứ thay đổi, đã có những điều mà con người ta lãng quên nhưng một điều không bao giờ thay đổi đó là: thời gian không thể xóa nhòa đi mọi đau thương và mất mát.

Trường Sa (thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa) và Hoàng Sa (thuộc tỉnh Đà Nẵng) là 2 quần đảo thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam, là máu thịt của quê hương, tổ quốc. Có thể nói biển Đông chưa bao giờ “lặng sóng”, nó luôn trong vòng lửa của tranh chấp, của quyền lực và sự giành giật được thống trị bởi một lượng tài nguyên lớn và Trường Sa, Hoàng Sa cũng chính là một trong các nguyên nhân tạo nên tình hình căng thẳng và diễn biến nóng bỏng tại đây. Những kí ức về Trường Sa, về Gạc Ma là những nỗi đau không bao giờ nói hết, là những giọt nước mắt của lịch sử, là nốt trầm hùng bất khuất trong bản trường ca anh dũng, kiên cường của cả dân tộc Việt Nam. Nhắc về Gạc Ma là nhắc về một trận chiến kết thúc nhanh nhất nhưng nỗi đau và những gì nó để lại là dư âm vang vọng cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hết day dứt. Nó nhắc nhở chúng ta về lòng tự tôn và tự hào dân tộc đi cùng với đó là ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay.

Gạc Ma cùng với Lin côn, Len Đao là 3 bãi đá hợp thành nhóm đảo thuộc đảo Sinh Tồn tại Trường Sa. Ba đảo này chỉ cách nhau vài hải lý nhưng có vị trí trọng yếu về quân sự, quốc phòng và kinh tế xã hội đối với một quốc gia. Sớm nhận ra tiềm năng từ đây lại thêm mưu đồ muốn thôn tính Biển Đông thống trị các nước thuộc khu vực này, Trung Quốc đã lần lượt từng bước thực hiện mưu toan chính trị vô cùng thâm độc và nguy hiểm của mình trong chiến lược xâm lấn và muốn trở thành bá chủ thế giới.

Ngày 14/03/1988, Trung Quốc ngang nhiên đem quân tiến ra quần đảo Trường Sa đặc biệt là Gạc Ma, dùng vũ lực tấn công lấn át hòng ngay lập tức chiếm đóng các đảo này và loại bỏ sự chống trả từ phía ta. Thực ra ngay từ trước 1988 Trung Quốc đã có những bước đi trong việc dần hiện thực hóa việc chiếm Trường Sa. Cụ thể là: Ngày 10/11/1987, hải quân nước này kéo lên chiếm đảo Louisa; ngày 31/01/1988 chiếm bãi Chữ Thập; ngày 18/02/1988, chiếm bãi Châu Viên; ngày 26/02/1988,chiếm bãi Gaven; ngày 28/02/1988 chiếm bãi Tư Nghĩa. Trước tình hình Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh hoạt động chiếm giữ các bãi đá của chúng ta, ngay sau đó Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền trên các bãi Gạc Ma, Len Đao và Lin Côn.

Đầu tháng 3 chúng càng lúc càng gấp gáp trong việc thực hiện mưu đồ chiếm trọn Trường Sa và hơn hết chính là Biển Đông và ngôi vị bá chủ thế giới. Người bạn mà trước nay chúng ta luôn tin tưởng, đã giúp đỡ ta rất nhiều trong kháng chiến chống Pháp vậy mà giờ đây lật lọng, quay ngoắt với những hành động vô cùng ngông cuồng. Rạng sáng ngày 14/03/1988, Trung Quốc hạ lệnh cho quân đổ bộ lên Gạc Ma, chúng giật cờ tổ quốc ta cắm trên bãi thể hiện chủ quyền- một hành động ngạo mạn và láo sược trắng trợn cướp đi quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Về phía ta, trước tình hình nguy cấp đó 2 chiến sĩ hải quân đã nguyện hi sinh quên mình để giữ đảo. Đó là hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh và Trung úy Trần Văn Phương, họ đã chút hơi thở cuối cùng giữa biển khơi đầy máu và nước mắt để quyết không cho bất kì ai có thể xâm lấn đến chủ quyền linh thiêng của tổ quốc. Sau đó là cuộc chiến đấu không hề cân sức giữa ta và Trung Quốc nhưng mặc cho tất cả hải quân Việt Nam vẫn kiên cường đến phút cuối cùng ngay cả khi đã bị tấn công tưởng như không còn lối thoát. Một trận chiến quá khủng khiếp chỉ trong vòng 28 của phút đã cướp đi sinh mạng của biết bao con người: trong số đó có 3 chiến sĩ hi sinh ngay tại chỗ, 11 chiến sĩ bị thương, 64 chiến sĩ mất tích, làm cháy và chìm 3 tàu của ta… và còn rất nhiều những tổn thất không thể nào kể hết giữa lòng biển khơi nơi đã chôn dấu bao trái tim con người quả cảm, sắt đá nguyện chiến đấu và hi sinh hết mình để giữ vững chủ quyền của tổ quốc.

Ta mất Gạc Ma, một phần máu xương đất nước và không thể để Trung Quốc có cơ hội chiếm thêm bất cứ hải phận nào mang tên Việt Nam. Chiến sĩ ta chiến đấu đến cùng để giữ bằng được Lin Côn Và Len Đao. Đó là một sự đánh đổi bằng máu và nước mắt mà không thứ gì có thể so sánh được!

Trường Sa hay Hoàng Sa thì có lẽ đó cũng chỉ là một bước đệm, là bàn bàn đạp để chúng thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và thôn tính các nước xunh quanh để biến giấc mơ bá chủ thế giới thành sự thật. Bằng điều gì đây?? Bằng sự ngông cuồng, hung hăng và ngạo mạn mà những sự kiện gần đây như công bố bản đồ hình đường lưỡi bò 9 đoạn, đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5/2014 tại Việt Nam hay việc chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philipines là những minh chứng cụ thể cho sự điên cuồng trong hành động của Trung Quốc. 

28 năm đã trôi qua nhưng ai bảo rằng thời gian sẽ đẩy tất cả lui vào quá khứ. Những gì đã xảy ra thuộc về một thời lịch sử anh dũng, hào hùng cùng những đau thương không thể nào quên và nơi ấy môt thời cha ông ta đã quên mình chiến đấu hi sinh, nơi tuổi “20 chưa từng hện hò trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi” đến hôm nay còn lên tiếng vang vọng nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta trân trọng những gì mình đang có để gìn giữ, xây dựng một tương lai bền vững cho nước nhà.

Hà Bắp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét