Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

SÔNG MEKONG VÀ YẾU TỐ TRUNG QUỐC

Những ngày qua, cùng với những diễn biến trên Biển Đông, dư luận trong nước và khu vực đã được lái đến những vấn đề về các gói thầu xây dựng hạ tầng mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã thắng thầu, đồng thời tập trung vào tình trạng khô hạn, nhiễm mặn ở lưu vực sông Mekong được cho rằng bị ảnh hưởng bởi các đập thủy điện trên thượng nguồn của Trung Quốc và Lào.


Điều cần nói ở đây, cũng như mọi vấn đề khác về những thông tin liên quan đến yếu tố nước ngoài là: rất đáng phiền lòng khi hầu hết các phát ngôn, các bài báo ở Việt Nam hiện nay về nước ngoài đều mang tính tự ti dân tộc, hoặc chỉ để so bì, bới móc nhằm đào sâu nhược điểm của Việt Nam hoặc ca ngợi và sùng bái nước ngoài một cách thái quá, làm rối loạn nhận thức của người đọc, tiếp tục củng cố tâm lý nô lệ hèn kém do nghìn năm đô hộ của tàu, trăm năm đô hộ của Tây ăn sâu vào trí não người Việt. Và báo viết bài như vậy cũng bởi một bộ phận dân ta chỉ muốn nghe điều xấu, mà không đọc những thông tin khác.

Các đập thủy điện trên dòng Mekong
Rất nhiều người đã chia sẻ bài báo đăng phát biểu của ông Dương Trung Quốc về việc “kém quản lý nên Trung Quốc thắng hết các gói thầu”, tuy nhiên lại không đặt câu hỏi tại sao các doanh nghiệp Trung Quốc lại làm được như vậy, khi họ đã vượt mặt cả Nhật để thôn tính Mỹ.

Tất nhiên, ông nghị Dương Trung Quốc đã làm phận sự “nói lên tiếng nói” dù ông cũng không có giải pháp nào cả!

Về sự khô hạn, xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (và Campuchia) thì các nhà báo và dân ta tha hồ tự nhát mình về “sự khống chế nguồn nước và quả bom nước Trung Quốc”, để rồi mãi về sau mới phát hiện ra nguyên nhân là do ông bạn Thái Lan hút hết nước về các hồ dự trữ!

Về việc phối hợp khắc phục hạn hán, theo yêu càu của Việt Nam – phía Trung Quốc đã tăng gấp đôi lưu lượng xả nước đầu nguồn Mekong từ các con đập, nhưng không biết sau khi chảy qua Lào, Thái Lan, Campuchia với chằng chịt hệ thống trữ nước thì Việt Nam sẽ còn rơi rớt được bao nhiêu?

Và sâu xa hơn, cần biết rằng nguyên nhân chính gây ra tình trạng hạn hán ở vùng Đông Nam Á, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long, chỉ là một phần trong bức tranh biến đổi khí hậu toàn cầu. Hạn hán, lũ lụt, thời tiết cực đoan đang xảy ra khắp nơi trên thế giới. Theo dự báo, phải đến tháng 7/2016 thì tình trạng này mới suy giảm, vấn đề hiện tại là cần phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để khắc phục phần nào.

Về vấn đề sông Mekong, chúng ta có thể tham khảo ý kiến rất đáng suy ngẫm của facerbooker Nguyễn Đức Thành (trích), không chỉ về việc hạn hán:

“…Tôi rất lo về việc ngập mặn của ĐBSCL, chắc chắn rồi. Vì đó là "Máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam"…

Tuy nhiên, đồng thời với việc ĐBSCL năm nay hạn nặng, ta cũng nghe tin Tây Nguyên và Thái Lan hạn nặng. Lưu ý rằng nước của sông Mekong chủ yếu được lấy từ Tây Nguyên, và có thể cả từ Thái Lan nữa.

…Tây Nguyên, mái nhà của Đông Dương, là một cái mái dốc từ phía VN về bên Lào. Vì thế, nước từ đại ngàn Trường Sơn chủ yếu chảy từ Đông sang Tây, dồn về Mekong. Rồi từ Mekong mới chảy ra biển qua ĐBSCL.

Một lẽ tự nhiên, nước của những con sông dài, vĩ đại như Mekong sẽ được tích tụ trên đường nó đi, chứ không phải chỉ lấy từ đầu nguồn ở dòng Lan Thương bên Trung Quốc. Và như một số nguồn của người hiểu biết đã công bố trên mạng gần đây, lượng nước đóng góp từ lãnh thổ TQ chỉ đâu đó hơn 10% lượng nước của Mekong mà thôi. Như thế, nếu TQ có giữ lại một nửa lượng nước ở bên họ, thì cũng chỉ làm giảm 5% lượng nước ở hạ nguồn. Ngược lại, nếu họ xả thêm một phần như thế, cũng chỉ tăng thêm một lượng tương ứng mà thôi.

Nói điều này để dẫn tới mấy hàm ý:

1. Hạn hán năm nay ở ĐBSCL có thể do ảnh hưởng chu kỳ của khí hậu trong khu vực, hoặc cụ thể là do hạn hán ở Tây Nguyên và Thái Lan. Còn nguyên nhân vì sao Thái Lan và Tây Nguyên khô hạn, là một câu chuyện khác. Có vẻ không nhất thiết liên quan đến ba đập thuỷ điện trên sông Lan Thương ở TQ.

2. Như thế, TQ có nói là xả nước để cứu ĐBSCL cho VN, thì họ không có công to đến thế. Cũng như họ cũng đã ko có tội to lắm trong việc điều tiết nước ở thượng nguồn. Và vì thế, không cần phải phóng đại vai trò của TQ như một tên tội phạm hay một vị ân nhân đối với VN. Cả hai quan niệm dường như đều là cảm tính.

3. Liên quan đến lượng nước từ Tây Nguyên đóng góp cho Mekong giảm dần. Đây mới là câu chuyện đáng kể. Ai làm nông nghiệp ở Tây Nguyên đều biết để có nước tưới cho các trang trại cây công nghiệp bạt ngàn trên cao nguyên đã bị phát quang này, thì các giếng khoan ngày càng phải đào sâu hơn xuống lòng đất. Như vậy, chính chúng ta đã làm cạn nước trên mái nhà, và cái ống máng ở dưới hiên là dòng Mekong đã chẳng còn nước mà hứng. Và khi lưu lượng nước ít dần, áp lực dòng chảy ra biển ở các cửa sông của Cửu Long sẽ yếu dần, và biển sẽ tràn vào như một quy luật vật lý tự nhiên. Ngập mặn và xâm thực diễn ra. Triều cường diễn ra. Chính là chúng ta đã lựa chọn đổi cà phê, hạt điều lấy gạo. Và thiên nhiên chỉ thực hiện vai trò truyền tải luật nhân-quả mà thôi: chúng ta tàn phá Tây Nguyên, cũng đồng nghĩa chúng ta huỷ diệt ĐBSCL.

Tóm lại, đừng vội vã đổ lỗi cho Trung Quốc, cũng đừng vội vã xun xoe với Trung Quốc. Câu chuyện cay đắng ngày xưa còn vang vọng: giặc ngồi sau lưng nhà vua đó. Nhưng thực ra cũng chẳng có giặc nào ngồi sau lưng. Đừng chém con gái khi lỗi diệt vong chính ở mình.

Nguyên Mạnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét