Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

ĐÔI ĐIỀU VỀ VỤ "LUM XÙM" Ở THANH HÓA

Những ngày vừa qua vụ “biểu tình” đòi biển của người dân xã Quảng Cư, phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn), tỉnh Thanh Hóa đã tốn không ít giấy mực của báo chí, sự quan tâm của dư luận cũng như hao tổn không ít “công sức” của các thế lực phản động trong việc lợi dụng vấn đề này để nổi dậy, đả kích, chống phá có những lời lẽ rất hùng hồn mà sáo rỗng trên các trang mạng làm cho một số người dân có thể hiểu sai lệch vấn đề, bản chất sự việc. Trong đó cụ thể như:


Trên Danlambao tôi có bắt gặp một câu khẳng định hùng hồn như thế này: “Tập đoàn FLC thôn tính biển, rừng Thanh Hóa với sự giúp sức của nhà cầm quyền?”. Cũng phải nói thêm rằng, đại dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 200 héc-ta, được khánh thành đi vào hoạt động tháng 7/2015 sau thời gian thi công nhanh kỷ lục 9 tháng. Từ khi được triển khai đã đón tiếp hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đồng thời cũng tạo ra việc làm cho hơn 2000 lao động. Nhìn chung với dự án này Nhà nước và chính quyền thực sự có kỳ vọng mới về du lịch với mục tiêu đưa du lịch Thanh Hóa thành du lịch 4 mùa đồng thời góp phần cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư tại đây trong con mắt các nhà đầu tư lớn. Với vai trò và ý nghĩa to lớn như thế, ngay từ khi được triển khai dự án FLC Sầm Sơn đã được sự ủng hộ, đồng tình của Nhà nước, chính quyền tỉnh cũng như đông đảo quần chúng nhân dân. Không thể chỉ vì việc thiếu thống nhất trong ý kiến giữa lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư về yêu cầu đòi 500-1000m làm nơi neo đậu thuyền buồm của ngư dân Sầm Sơn mà phủ nhận đi giá trị thực sự của dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn". Trên thực tế, đây là chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, và tập đoàn FLC chỉ là một nhà thầu triển khai dự án. Hoàn toàn không có chuyện tỉnh “giao đất” toàn quyền cho FLC như cách hiểu của một số người. 

Ảnh của Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn

Còn nhắc tới “sự giúp sức của nhà cầm quyền” (trích Danlambao) thực sự lại càng có nhiều điểm vô lí. Từng trả lời thẳng thắn trước báo chí ông Lê Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn khẳng định: “Chủ đầu tư là UBND thị xã Sầm Sơn đã thực hiện các bước tổ chức đấu thầu, xét thầu và lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật. Kết quả đã chọn được FLC là đơn vị trúng thầu BOT, đây là đơn vị có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực chuyên môn đã được chứng minh qua nhiều dự án, mà nổi bật là FLC Sầm Sơn. Quá trình lập quy hoạch và mời thầu dự án hoàn toàn tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành.” Như vậy cũng đủ hiểu tập đòan FLC trở thành nhà thầu của Dự án cải tạo, nâng cấp bãi biển Sầm Sơn là hoàn toàn hợp pháp (phù hợp theo những quy định của Luật Đấu thầu-2014),tiến hành minh bạch, công khai do tập đoàn này hoàn toàn đủ năng lực tài chính, khả năng để đưa công trình hoàn thành trước 30/4/2016, kịp khai thác cho du lịch mùa hè Sầm Sơn.


Trong những bài phê phán của mình, tác giả của Danlambao còn luôn nhắc tới “Quy hoạch hay phát triển du lịch dù mục đích tốt thế nào cũng phải dựa trên thực tiễn đời sống và nguyện vọng của người dân địa phương”. “Một điều do dân, hai điều vì dân” xem những bài viết của Danlambao tôi lại thấy có điều gì giả dối và không đúng ở đây. Thế sao vì lợi ích của người dân tác giả không nói dân nên làm như thế nào cho phù hợp với Pháp luật, làm sao để vẫn có thể trình bày nguyện vọng của mình mà không cần gây ra sự náo loạn, mất ổn định cũng như sự tắc nghẽn trên các tuyến giao thông, công trình công cộng? Chính quyền thị xã Sầm Sơn nói riêng, và chính quyền cả tỉnh Thanh Hóa nói chung cái sai của họ là có. Họ đã chậm trễ trong việc lắng nghe nguyện vọng của người dân, đã không làm tốt trong công tác quy hoạch đất biển giao cho nhà thầu, không giải quyết được vấn đề bồi thường một cách thỏa đáng nhất. Đây là một bài học thực sự sâu sắc cho chính quyền Thanh Hóa cũng như cho tất cả các cán bộ lãnh đạo, không chỉ cần có tầm nhìn xa mà cần luôn phải có tầm nhìn gần, phải đi sát và lắng nghe nhân dân. Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Quốc vương của tiểu quốc Dubai cũng từng nói: “Vì dân chúng là thước đo tham chiếu cuối cùng của các nhà lãnh đạo nên tất cả các quyết định và tầm nhìn phải phục vụ cho lợi ích của họ. Khi một nhà lãnh đạo ưu tiên đặt quyền lợi của người dân lên hết thảy, ông ta chắc chắn sẽ thành công”. 

Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là chính quyền Thanh Hóa thờ ơ hay vô trách nhiệm với người dân.Bởi liệu nếu không quan tâm nhân dân thì chính quyền Thanh Hóa có liên tục tiến hành họp khẩn bàn về các kế sách làm sao cho đảm bảo đời sống sinh hoạt cũng như miếng cơm bát gạo của người dân hay không? Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có liên tục đối thoại với người dân, ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân phá bỏ tàu, thuyền (bè, mủng) công suất dưới 20 CV, khuyến khích đóng tàu mới công suất lớn và chuyển đổi nghề. Cụ thể, đề ra là tỉnh sẽ hỗ trợ tháo dỡ, phá bỏ các loại tàu, bè nhỏ công suất dưới 20CV với mức 70 triệu đồng mỗi bè, 50 triệu đồng mỗi thuyền thúng. Ngư dân phải cam kết không đóng mới bè, mủng. Các hộ có tàu, thuyền dưới 20 CV tháo dỡ, phá bỏ đồng thời được hỗ trợ 30kg gạo/khẩu/tháng (trong 6 tháng) để ổn định đời sống. Khi ngư dân tìm nghề mới, chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng mỗi hộ có bè và 8 triệu đồng mỗi hộ có mủng. Gia đình nào tháo dỡ, phá bỏ tàu bè trước ngày 15/3 thì được thưởng 10 triệu đồng mỗi bè hoặc mủng. Quyết định cũng nêu, hộ nào muốn đóng mới tàu 30CV - 400CV sẽ được hỗ trợ một lần sau đầu tư 35% giá trị đóng tàu. Mức hỗ trợ thấp nhất là 125 triệu đồng, cao nhất 250 triệu đồng.

Tuy nhiên với những chính sách hỗ trợ này vẫn chưa thế đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Phải đến sáng ngày 7-3 cuộc đối thoại trực tiếp giữa ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa với người dân Sầm Sơn thì nguyện vọng của người dân đã thực sự được tháo gỡ. Trong cuộc đói thoại ông Trịnh Văn Chiến khẳng định: “Nếu bà con nào đồng ý với chủ trương, dự án và quyết định hỗ trợ của tỉnh thì nhận tiền, còn bà con nào không đồng ý thì cứ tiếp tục đi biển bình thường, không có bất cứ văn bản nào chỉ đạo bà con phải di chuyển tàu thuyền ở thời điểm nào hết. Tôi là người đứng đầu, nếu có, tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm. Tôi đề nghị các ban ngành, đoàn thể thời gian tới giúp đỡ người dân ổn định sản xuất”.

Trong những ngày hết sức căng thẳng ở Thanh Hóa đã xảy ra một vụ mưu sát đối với bà Văn Thị Thắng, 44 tuổi, một trong những người tiến hành biểu tình, thế là Danlambao không biết từ nguồn tin nào đã đặt ra nghi vấn đối với lực lượng Công An “Theo lời một số người dân, trong số 3 tên hung thủ này, có một kẻ là CA”. Trước những thông tin đặt điều, thiếu cơ sở này đồng thời để cho nhân dân Thanh Hóa nhận thức rõ được và nhân dân cả nước cũng đang theo dõi sự việc này thấy được sự thật, lực lượng Công an đã lập tức tiến hành điều tra và bắt được thủ phạm thực sự là Ngọ Duy Hưng, sinh năm 1985, ở khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn (TX Sầm Sơn) và Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1991, ở đường Hàm Nghi, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa). 

Sự việc xô xát này xảy ra là do mâu thuẫn cá nhân từ trước giữa đối tượng và bà Thắng. Và chi tiết “Một tên trong số đó thậm chí còn rút súng bắn thẳng vào người nạn nhân” như Danlambao viết thực chất là “Quang đã dùng súng mang theo bắn 1 phát lên trời rồi hai đối tượng trên cùng bỏ trốn khỏi hiện trường”. Cần nói thêm là khẩu súng đó là 1 khẩu súng cao su,có 4 viên đạn bằng nhựa. Như vậy có thể thấy chỉ cần sơ hở một chút, những kẻ soi mói này có thể sẵn sàng dựng lên những câu chuyện vu khống hòng bôi xấu lực lượng Công An cũng như chính quyền. Qua vụ biểu tình, luôn thấy được lực lượng Công An luôn làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình, cố gắng hết sức để làm hào dịu không khí căng thẳng của biểu tình. 

Danlambao có viết thế này “công an gia tăng lực lượng để trấn áp ngư dân biểu tình” rồi “công an tiến hành khởi tố ngư dân”. Tôi thiết nghĩ không lẽ khi người dân làm sai, không đúng pháp luật, người Công an với vai trò giữ trật tự trị an lại không làm gì để người dân thấy việc làm của mình là đang gây rối mật trật tự an toàn xã hội hay sao? Cụ thể là tại Điều 318 về Tội gây rối trật tự công cộng của Bộ Luật hình sự 2015 đã quy định rõ: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Cũng phải nói thêm rằng Công an Thanh Hóa liên tục phải dùng loa tuyên truyền cho bà con thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật ở ngã tư đại lộ Lê Lợi - Trần Phú, các tuyến xe buýt được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ. Tất cả các biện pháp nhằm hạn chế người dân tập trung đông ở trụ sở UBND tỉnh, bảo đảm an ninh ở Tỉnh ủy. Tất cả cũng chỉ nhằm giữ gìn an ninh trật tự, cố gắng nhanh chóng phục hồi cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Sự việc về cơ bản đã khép lại sau nhiều ngày căng thẳng và cả mệt mỏi. Tuy nhiên dư âm của nó để lại thì còn rất nhiều và hết sức sâu sắc. Trước hết nói về phía người dân, biết rằng nguyện vọng của người dân là chính đáng nhưng không phải cứ giải quyết bằng “bạo lực” là được. Người dân cần tuân thủ và thực hiện theo đúng pháp luật để tránh những tổn thất cho chính bản thân mình, gia đìnhvà cả xã hội. Đồng thời mỗi người dân hãy luôn đủ tỉnh táo để tránh bị những phần tử phản động lợi dụng, xúi giục để rồi tự gây ra mâu thuẫn, căng thẳng với chính quyền địa phương. Còn về phía chính quyền nhân dân, tôi xin mượn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt". "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong". “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.”!

Tuyết Nhung 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét