Sóng cuộn tung mình trắng xóa Gạc Ma
Nước sôi lên, tiếng súng xé tan mặt biển
Đảo chòng chành bước vào cuộc chiến
Những linh hồn bay lên....
Hai mươi tám năm trời không thể ngủ yên
Phía Gạc Ma, nỗi nhức nhối trong con tim còn thức
Sáu mươi tư linh hồn,
Sáu mươi tư con người có thực
Vẫn đang ôm ghì riết lấy Gạc Ma.
Sóng dập dềnh ru đưa những vòng hoa
Ru đưa những người con đang nằm yên trong lòng biển
Khúc tráng ca gầm lên,
Nỗi đau như xé
Sáu mươi tư linh hồn
Vẽ vòng tròn bất tử giữa biển Đông.
14/3, cách đây 28 năm vào giờ này những người lính hải quân Việt Nam đang có mặt ở Gạc Ma. Không một ai trong số họ biết được rằng 2 tiếng đồng hồ sau họ sẽ vĩnh viễn ở trong lòng biển mẹ. Sẽ không ai được phép lãng quên nỗi đau này, và không một ai được phép xuyên tạc lịch sử cho dù đó là ông tướng hay là AHLLVT. Bởi nếu xuyên tạc lịch sử đồng nghĩa với xóa bỏ sự hy sinh vô cùng to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Nằm xem lại các clip có liên quan, lặng người khi nhìn những luồng đạn chát chúa quất thẳng vào vòng tròn bất tử...
"... Gió thổi nhè nhẹ, biển lấp lánh ánh lân tinh, lũ chúng tôi hối hả chèo xuồng, bãi cát mờ mờ phía dưới mặt biển. Không ai bảo ai, dường như thấy trách nhiệm của mình đầy thiêng liêng, giây phút cắm mốc biên cương cho Tổ quốc đã đến. Lá cờ đã được cắm lên nhưng một người phải giữ để không bị sóng biển xô đổ..."
"... Toán lính Trung Quốc sau một hồi giành giật xô đẩy, không có kết quả đã dùng AK bắn thẳng vào chúng tôi sau đó nhảy lên hai chiếc xuồng nhôm và rời đảo. Lúc này đầu óc mọi người như căng lên, mọi phương án chiến đấu bảo vệ đảo được đặt ra. Sóng biển vẫn vỗ nhè nhẹ, quyết tâm cuối cùng đó là dù hy sinh vẫn phải giữ được lá cờ trên đảo, máu trong tim như sôi lên. Đột nhiên, những loạt đạn 12,7mm và 37mm chát chúa vang lên xé tan bình minh, nước biển trên đảo cuộn mình..."
Không viết được nữa....
Thế đấy, có tấc đất nào trên dải đất hình chữ S này không thấm đẫm máu của lớp lớp người đi trước. Nếu lãng quên là có tội, vinh quang và sứ mệnh của chúng ta đó là phải giữ gìn và giành lấy những gì thuộc về chúng ta, những gì mà cha ông ta để lại.
Hai mươi tám năm và nỗi đau còn đó, những thằng bạn kể lại rằng hằng ngày chúng nó vẫn trừng trừng mắt nhìn về Gạc Ma như một nỗi uất hận chưa thể xóa nhòa... Hỏi chúng nó " Nếu như 1988 lặp lại thì chúng mày có nghĩ cấp trên có ra lệnh không được nổ súng hay không ?" Một thằng cười khẩy "Chỉ thằng ngu mới nghĩ ra được chuyện đó, nếu đã là thằng lính thì chẳng bao giờ có chuyện khoanh tay đứng cho chúng nó bắn..."
Như lời người lính Gạc Ma Lê Hữu Thảo năm xưa "Có hy sinh thì cũng vì Tổ quốc...", đơn giản và bình dị thế thôi, với họ Tổ quốc là trên hết. Không chỉ những người lính biển mà tất cả cán bộ chiến sĩ đều ý thức được sứ mạng và vinh quang của một người lính, sứ mạng vì một đất nước trường tồn và toàn vẹn lãnh thổ. Nỗi đau Gạc Ma vẫn còn đó, vẫn canh cánh trong lòng của lớp người kế tiếp. Nó khác xa với những toan tính của một số người đang cố tình xuyên tạc và bóp méo lịch sử. Đúng, chúng tôi không phải là dũng sĩ, không phải là anh hùng, nhưng chúng tôi biết đâu là sự thật bởi chúng tôi sống bằng trái tim một người lính chứ không sống bằng cách lợi dụng quá khứ vàng son.
An Hiền Ngọc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét