Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI PHẢI LÀ NGƯỜI TRUNG THỰC

Thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội đã kết thúc vào ngày 13/3/2016, trong số những người tự ứng cử ngoài những cái tên quen thuộc thì cũng có những cái tên mới mẻ và rất trẻ, trong đó có Ngô Xuân Phúc. Có lẽ nếu không có vụ tranh chấp bản quyền đến nay vẫn chưa ngã ngũ đối với bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” thì mọi người sẽ không hề biết đến Ngô Xuân Phúc là ai, hoạt động ở lĩnh vực nào trong xã hội. Tuy nhiên xin không đề cập đến tiểu sử của anh ta mà chỉ xin đi thẳng vào vấn đề về tính trung thực mà một ứng cử viên đại biểu Quốc hội cần phải có. 






Trong một bài phỏng vấn gần đây khi trả lời câu hỏi của phóng viên về “Nguyện vọng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội có từ khi nào?” thì Ngô Xuân Phúc đã trả lời rằng “ Khoảng năm 2006, 2007 gì đó tôi có nói với một cậu bạn là sẽ ra ứng cử đại biểu Quốc hội...” và tại vì khi đó Ngô Xuân Phúc “đang là sĩ quan quân đội nhưng không phải là cán bộ cấp cao nên khó mà được đề cử” . Rồi anh ta cho hay “Lúc đó tôi có nói thêm đến năm 2008-2009 gì đó sẽ ra quân để chậm nhất đến năm 2010 sẽ thực hiện được việc ứng cử đại biểu Quốc hội”. Với cách trả lời như vậy thì phóng viên cũng như độc giả sẽ nghĩ rằng Ngô Xuân Phúc chủ động xin giải ngũ để thực hiện ước mơ của mình. Sự thật có phải là như vậy không, có lẽ Ngô Xuân Phúc là người hiểu rõ nhất? chính anh ta đã than thở rằng “Tôi được giải quyết chế độ phục viên vì xin chuyển đơn vị công tác...” chưa tính đến cái lý do buồn cười mà anh ta đưa ra mà chỉ cần so sánh với câu trả lời với báo chí đã thấy anh ta là một người không có tính trung thực. 

Thử hỏi có cơ quan, đơn vị quân đội nào bắt buộc quân nhân phải phục viên vì lý do “xin chuyển đơn vị công tác”. Khi nói ra cái lý do này thì có người bĩu môi “Phải ra quân thì có nhiều lí do, hoặc là do sức khỏe không đảm bảo, hoặc là không chịu đựng được môi trường làm việc, nhụt ý chí xin ra, hoặc là vi phạm kỉ luật, lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi nên nợ nần chứ làm gì có cái chuyện xin chuyển đơn vị công tác mà bị bắt buộc ra quân”. Giữa chủ động xin phục viên để ứng cử đại biểu Quốc hội với phải phục viên là hai câu chuyện, hai con người hoàn toàn khác xa nhau. Cần phải nói thêm là sau khi ra quân thì Ngô Xuân Phúc có thi tuyển công chức vào tạp chí Văn hóa Nghệ An nhưng không thành công, anh ta đã tiến hành khiếu kiện nhiều lần và đã được cơ quan có thẩm quyền trả lời nhưng anh ta không đồng ý với kết luận của cơ quan thẩm quyền. 

Vậy một câu hỏi cần đặt ra, đó là con đường của một kẻ “vô danh tiểu tốt” đến một ứng cử viên đại biểu Quốc hội đã diễn ra như thế nào ? Khi cả nước quan tâm đến vấn đề biển đảo thì việc tranh chấp bản quyền một bài thơ được phổ nhạc và được mọi người yêu thích sẽ tạo ra một sự quan tâm đặc biệt. Cho đến nay việc xác định vẫn chưa ngã ngũ và Ngô Xuân Phúc vẫn đang “tự nhận” mình là tác giả cho dù đã từng tham vấn luật sư và tuyên bố khởi kiện. Anh ta cần gì? Anh ta cần mọi người biết đến cái tên Ngô Xuân Phúc? Chưa hết khi nghe một bài hát trong một bộ phim truyền hình chiếu trên VTV có một câu “Khi anh chưa biết em giấc mơ chỉ là mơ thôi, khi anh chưa biết em bao thương nhớ giận hờn thoáng chốc...” thì anh ta cũng nhảy dựng lên là của anh ta, nhưng do di chuyển, sửa máy tính, thay ổ cứng nên không có gì để chứng minh ! Thật nực cười cho một người tự nhận là đủ trình độ và năng lực ứng cử đại biểu Quốc hội mà phát biểu đầy cảm tính và vô căn cứ. 

Chưa hết, chính sách thu hút nhân tài đã được các địa phương áp dụng từ rất lâu, từ những năm 1998 khi bạn bè của người viết bài này đã chọn và làm việc ở các địa phương có chính sách thu hút nhân tài, tạo điều kiện nơi ăn ở, làm việc, thi tuyển công chức thì 10 năm sau, năm 2008, Ngô Xuân Phúc “la toáng” lên rằng chính anh ta là người đề xuất chính sách đó. Năm 1998 thì Ngô Xuân Phúc vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ nào “cậu bé này là thần đồng”, hay là chúng ta đang nói về một Ngô Xuân Phúc khác, một Ngô Xuân Phúc hoang tưởng về bản thân, hay là có một sự không trung thực nào đó ở đây?

Pháp luật không hề ngăn cản quyền ứng cử và tự ứng cử của bất cứ công dân nào nếu như người đó có đủ sức khỏe, trí lực và không vi phạm pháp luật. Thế nhưng đại biểu quốc hội phải là người trung thực, trung thực ngay với chính bản thân mình, có như vậy mới trung thực trong quá trình đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

An Hiền Ngọc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét