Thời gian qua, câu chuyện nghệ sĩ ứng cử ĐBQH đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Những cái tên như danh hài Vượng râu, "doanh nhân showbiz" Hùng Cửu Long và ca sĩ Mai Khôi đang trở thành tâm điểm của giới nghệ sĩ khi họ muốn lấn sân vào chính trị.
Hùng Cửu Long, Mai Khôi, Vượng Râu ứng cử ĐBQH |
Trước tiên, phải khẳng định rằng sự xuất hiện của các nghệ sĩ với vai trò là ứng cử viên ĐBQH đã chứng tỏ dù ở ngành nghề nào thì họ cũng không đứng ngoài cuộc với những vấn đề của đất nước. Nghệ sĩ cũng là nhân dân, họ muốn công hiến cho dân, cho nước là chuyện đáng mừng. Mặt khác, khi họ làm chính trị, những fan của họ cũng quan tâm hơn đến vấn đề này. Nếu như người nghệ sĩ có cái nhìn đúng đắn, những lời nói, hành động liên quan đến vận mệnh đất nước một cách phù hợp thì chẳng phải họ có công lớn trong việc định hướng dư luận sao?
Thế nhưng, một khi người nghệ sĩ không đáp ứng các tiêu chuẩn của một ĐBQH mà vẫn được trở thành người đại diện của nhân dân thì lúc đó câu chuyện không còn bó hẹp trong “làng” giải trí nữa. Họ có thể am hiểu về lĩnh vực nghệ thuật, thế nhưng có ai dám chắc, họ thực sự có thời gian, tâm huyết, am hiểu các lĩnh vực khác, đặc biệt là chính trị? Đâu phải tiếp cận được các thông tin về tình hình đất nước, xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, có bằng cấp này nọ thì có thể trở thành ĐBQH. Đâu phải thấy bức xúc về vấn đề này, vấn đề kia thì nghĩ rằng mình có thể giải quyết khi ở một vị trí nào đó. Và nếu các nghệ sĩ muốn làm cho những ĐBQH khác không còn buồn ngủ trong các cuộc họp thì đâu nhất thiết phải trở thành ĐBQH. Hay tất cả chỉ là lí do để họ có thể PR bản thân, đánh bóng tên tuổi?
Ai cũng biết, trái tim người nghệ sĩ rất nhạy cảm. Phàm là người nghệ sĩ, dù trong lĩnh vực nào thì họ cũng có cái tôi rất riêng và đôi khi, để thỏa mãn nhu cầu khẳng định bản thân, họ có thể phát ngôn, hành động một cách khác thường. Những “thành tích” của nghệ sĩ hài Vượng râu có lẽ ai cũng đã rõ. Còn cô ca sĩ Mai Khôi thì sao? Những ấn tượng về giọng hát thanh khiết của “Hoa dại” ngày nào giờ đã thay bằng những hình ảnh một Mai Khôi “nổi loạn”, những phát ngôn gây sốc không thể ngờ. Khi mới chỉ 26 tuổi, cô đã lên kế hoạch cho cái chết của mình ở tuổi 50. Và nếu người ta ngại ngùng thì Mai Khôi mạnh dạn “khoe ngực” với lời giải thích “ Ngực là cái rất đẹp của đàn bà mà sao phải che lại”. Liệu truyền thống thủy chung của người phụ nữ Việt Nam có thể chấp nhận quan niệm “Ngày xưa tôi yêu người đàn ông này nhưng thấy những người đàn ông khác thú vị hơn, tôi lại yêu thêm, một lúc có thể yêu 2-3 người” hay “đẻ con…là nghiệp của loài người”…? Liệu người dân có thể chấp nhận một người với những quan điểm lạ lùng như thế vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân?
Vì thế, nghệ sĩ cứ tự do ứng cử, còn chuyện có trở thành ĐBQH được hay không lại là một chuyện khác. Nhân dân chính là người suy nghĩ, đánh giá để lựa chọn những người họ tin tưởng trở thành người đại diện cho mình. Lấy được lòng tin của nhân dân không dễ nhưng cũng không quá khó nếu những người nghệ sĩ biết dân nghĩ gì, cần gì. Thứ họ cần hoàn toàn không phải là những hình ảnh, phát ngôn nổi loạn trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam và người dân cũng không muốn người đại diện cho mình chỉ biết hát, biết diễn. Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam đồng thời là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, ngoài các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát hoạt động của Nhà nước Quốc hội còn quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thế nên, nếu các nghệ sĩ muốn cống hiến sức mình cho dân, cho nước, muốn dấn thân vào chính trị thì hãy nghiêm túc nhìn lại những gì mình đã nói, đã làm, hãy bắt đầu xây dựng hình ảnh, lòng tin trong nhân dân trước khi quá muộn.
Bạch Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét