Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

MỘT SỐ NHẬN THỨC VỀ XHDS

Cùng với thực tế tồn tại và phát triển ngày càng phong phú của các tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ (NGO), trong khoảng 10 năm trở lại đây, thuật ngữ, khái niệm “xã hội dân sự” (XHDS), tổ chức XHDS dần xuất hiện và được bàn luận khá sôi nổi ở nước ta. Đây là vấn đề xã hội, chính trị nhạy cảm, phức tạp trong tình hình hiện nay. Nhận thức về vấn đề này hiện có nhiều điểm không thống nhất, thậm chí là khác biệt, đối lập với nhau, phụ thuộc vào từng góc độ tiếp cận. Qua nghiên cứu cho thấy, có hai khuynh hướng nhận thức phổ biến về vấn đề XHDS hiện nay là: (1) Đề cao quá mức những đặc điểm của XHDS, coi đó như là một tất yếu, cần đẩy nhanh sự phát triển của XHDS ở Việt Nam; đồng nhất quá trình này với thực hiện dân chủ hóa, có thể khắc phục được những tiêu cực, phức tạp đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay. (2) Coi XHDS là mô hình tiêu cực, chống đối, “đối lập” với Nhà nước xã hội chủ nghĩa, là vấn đề nhạy cảm, nên né tránh, thậm chí bài xích, phủ nhận XHDS. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi cố gắng làm rõ một số nhận thức cơ bản về XHDS.


Có nhiều cách hiểu, định nghĩa về XHDS, trong đó, một định nghĩa được cho là hợp lý hơn cả, đó là: XHDS là không gian xã hội công cộng nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, thị trường và lĩnh vực riêng tư của cá nhân, bao gồm tổng thể các định chế xã hội độc lập tương đối với nhà nước và hoạt động tự nguyện trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, truyền thông đại chúng, tôn giáo, xã hội... XHDS được nhận diện với một số đặc trưng cơ bản sau:

XHDS là một bộ phận của đời sống xã hội nằm ngoài khu vực xã hội chính trị (tức nhà nước) và xã hội kinh tế (tức thị trường) và ngoài khu vực gia đình (lĩnh vực riêng tư của cá nhân). XHDS bao gồm tổng thể các định chế xã hội (các tổ chức xã hội và các chế định điều tiết hoạt động như: luật pháp, tôn chỉ, mục đích, điều lệ...) để phân biệt với định chế xã hội chính trị (tổng hòa của các quan hệ và các thiết chế xã hội - chính trị tương ứng như: các chính đảng, các tổ chức nhà nước và cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị) và định chế xã hội kinh tế (các tổ chức kinh tế và hệ thống các chế định xã hội kinh tế tương ứng).

Các hội nhóm trá hình dưới danh nghĩa "xã hội dân sự"
Hình thức tồn tại của XHDS bao gồm: các tổ chức hội, hiệp hội, đoàn thể NGO... (gọi chung là các tố chức XHDS) và các phong trào xã hội.

Từ những nhận thức trên, rõ ràng vấn đề XHDS là hết sức phức tạp, nhạy cảm. 

Thứ nhất, những người cổ vũ cho XHDS xác định XHDS nằm ngoài các thể chế chính trị, xã hội, kinh tế, do đó có tính “độc lập” với nhà nước và không mang bản chất giai cấp. Nhưng thực chất, cái gọi là XHDS bao gồm: các tổ chức hội, hiệp hội, đoàn thể, NGO... đều mạng bản chất giai cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Bản chất giai cấp, tính chất chính trị của XHDS, thể hiện trước hết là việc các tổ chức hội, hiệp hội, đoàn thể, NGO... cấu thành nên XHDS đều do con người - các cá nhân cụ thể lập ra và cũng bao gồm con người - các cá nhân cụ thể, với những mục đích, lợi ích khác nhau. Không có con người chung chung, phi giai cấp, nên các tố chức (hội, hiệp hội, đoàn thể...) không thể không mang bản chất giai cấp với những mục đích, lợi ích giai cấp cụ thể (tuy được che giấu). Mặt khác, XHDS chính là môi trường mà chính bản thân các thành tố cấu thành cũng diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp trên mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa... mà những người cổ vũ hoặc nhân danh XHDS cho rằng đó là những ý kiến “phản biện xã hội”, để “phát huy dân chủ” nhằm che giấu ý đồ của các thế lực chống đối.

Thực tế là, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng, thông qua các tổ chức XHDS để thúc đẩy hình thành lực lựợng đối lập ở các nước có chế độ bị coi là “thù địch”, “độc tài”; dưới danh nghĩa “chuyển hóa dân chủ” để can thiệp, lật đổ, đưa các lực lựơng phương Tây lên nắm chính quyền ở các nước này. Nhằm thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, các thế lực thù địch thông qua các đảng chính trị cầm quyền, các nhà nước có quan hệ với Việt Nam, cổ vũ cho các hoạt động của cái gọi là XHDS, thậm chí, được đưa ra “mặc cả” trong xử lý quan hệ với Việt Nam.

Thứ hai, XHDS vừa mang tính đa dạng về lợi ích, thành phần, vừa mang tính đa dạng, đa nguyên về tư tưởng. Đặc trưng này phản ánh tính chất phức tạp về tư tưởng, văn hóa trong đời sống XHDS. Do đó, sự hình thành của XHDS ở Việt Nam chứa đựng nguy cơ xuất hiện, hình thành hoặc du nhập những khuynh hướng tư tưởng chính trị đối lập với Đảng là tiền đề trực tiếp dẫn đến đa nguyên về chính trị.

Thứ ba, XHDS là không gian bao hàm nhiều tổ chức nhưng thiếu tính tổ chức chặt chẽ và điều kiện về tài chính để hoạt động; dễ bị các cá nhân, tổ chức có điều kiện từ bên ngoài chi phối, tác động và lợi dụng vào thực hiện các mục đích riêng, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Tổ chức XHDS hình thành chủ yếu dựa trên những mối quan hệ và liên kết mềm, tự nguyện, tự quản, tính thống nhất không cao nên dễ xảy ra nguy cơ các tổ chức này chi chăm lo đến lợi ích cục bộ mà không quan tâm đến lợi ích chung, lợi ích toàn xã hội; tạo ra các “lệ” riêng, gây cản trở đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước, thậm chí có trường hợp biến tướng trở thành “công cụ” phục vụ cho lợi ích của cá nhân hoặc tổ chức chi phối, “tài trợ tài chính”. Đồng thời, XHDS bao gồm một dải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực khác nhau, cả những khu vực thiếu tổ chức chặt chẽ, nhận thức chính trị mơ hồ, rất dễ bị lôi kéo, mua chuộc hoặc hùa theo các chiêu bài mị dân...

Thứ tư, một bộ phận XHDS, nhất là các hội, liên hiệp hội có tổ chức mang tính hệ thống cả theo chiều dọc lẫn chiều ngang, có số lượng thành viên đông, có ảnh hưởng lớn đối với quần chúng; một số tổ chức phi chính phủ Việt Nam có sự tập hợp khá đông những trí thức lớn, có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, kể cả đảng viên hay nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Những tổ chức này có ảnh hưởng xã hội rộng lớn cả trong và ngoài nước, có khả năng tác động vào nội bộ, tác động rất mạnh đến việc xây dựng cũng như việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các tổ chức này thường là mục tiêu tìm kiếm tác động, lợi dụng của các thế lực thù địch, nếu không có những quy định pháp lý hợp lý, đủ mạnh để quản lý, cũng như thiếu sự định hướng và quản lý có hiệu quả của các cơ quan chức năng thì rất dễ biến thái và biến thái rất nhanh thành tổ chức chính trị đối lập hết sức nguy hiểm.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung còn thấp; ý thức công dân, ý thức pháp luật của đại đa số người dân còn nhiều hạn chế; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, hiệu lực quản lý của chính quyền còn có mặt hạn chế, đa dạng về tôn giáo, dân tộc... Do đó, sự hình thành và phát triển của XHDS luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chia rẽ, xung đột, hỗn loạn, vô chính phủ, mất ổn định chính trị, xã hội của đất nước, là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện âm mưu, hoạt động chống Đảng, Nhà nước.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, sau những thất bại trong hoạt động chống phá Việt Nam ở các giai đoạn trước, các thế lực thù địch đang xem XHDS là một hướng đi mới, đồng thời, là một trong những phương thức tác động cơ bản trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Mục tiêu của chúng là tìm mọi cách tạo “môi trường” cho sự xuất hiện ở nước ta lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua hoạt động với danh nghĩa XHDS làm suy yếu, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch rêu rao rằng, hình thành XHDS độc lập về chính trị là một “lối thoát” cho sự ra đời công khai, hợp pháp của các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập với Đảng, buộc Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Họ tìm mọi cách thúc đẩy ở Việt Nam một mô hình XHDS độc lập về chính trị, nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng, không chịu sự quản lý của Nhà nước, một xã hội đa nguyên về tổ chức, đa nguyên về ý thức hệ, các tổ chức được tự do thành lập, kể cả các tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam; đòi “quyển đối lập” được thừa nhận ở Việt Nam...

Để làm được điều đó, chúng đã và đang triệt để lợi dụng tính chất chính trị, xã hội phức tạp của vấn đề XHDS để tác động vào nội bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội với nhiều phương thức khác nhau, từ tuyên truyền lừa bịp, thổi phồng “ưu điểm” của XHDS; cung cấp tài chính, phương tiện hoạt động; tổ chức việc nghiên cứu, tham quan các mô hình XHDS ở nước ngoài; thúc đẩy việc xây dựng nội dung pháp luật có liên quan... nhằm gây sức ép với Đảng, Nhà nước ta trong các quan hệ đối ngoại.

Hải Trang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét