Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

QUAN HỆ VIỆT NAM HOA KỲ: TỪ RÀO CẢN ĐẾN CƠ HỘI

Ngày nay khi nói về lịch sử chế định quyền con người (QCN), người ta thường nhắc tới Luật về các quyền của Anh năm 1689, Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 và Hiến pháp bổ sung năm 1787 của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp. Thế nhưng ý tưởng hay “số phận” của QCN lại khác nhau khi nó tồn tại, sinh sôi ở các quốc gia phát triển với việc chúng đến với các thuộc địa trong thế kỷ XIX. Điều này là một nghịch lý về chính trị và đạo lý mà cho đến nay vẫn cần phải được làm rõ. Chẳng hạn, ở Việt Nam các giáo sư Pháp đã giảng dạy những tư tưởng nhân quyền cốt lõi của Montesquieu, của Jean-Jacques Rousseau là “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái”. Thế nhưng thực dân Pháp lại áp đặt chế độ thực dân - phong kiến bằng lưỡi lê, báng súng ở nước ta trong khi ở các xã hội phương Tây đã loại bỏ từ thế kỷ XVIII.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)
Hoa Kỳ kế thừa “di sản” của Pháp ở Việt Nam từ năm 1954. Có người nói rằng thực tế Hoa Kỳ đã dính vào cuộc chiến tranh này bằng việc tài trợ cho Pháp từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh Việt- Pháp (1945). Nhiều Tổng thống Hoa Kỳ giải thích rằng họ đi chiến đấu ngoài biên giới quốc gia là để bảo vệ “giá trị Mỹ”, bảo vệ “thế giới tự do”. Có người đã tuyên bố sẽ “đưa Miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Tất nhiên không phải đa số người Mỹ nghĩ như vậy! “Hội chứng Việt Nam” là một hậu quả của cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã khởi xướng ở Việt Nam. Còn nhớ khi cuộc chiến ngã ngũ, Hoa Kỳ còn triển khai chiến dịch Babylift (chuyển trẻ em Việt Nam sang Mỹ và nhiều nước phương Tây). Trong chiến dịch này, Hoa Kỳ đã chuyển trên 3.000 em nhỏ từ Sài Gòn đi Mỹ, số còn lại được đưa đến Australia, Canada và châu Âu. Thảm kịch đã xảy ra khi máy bay C-5 rơi (ngày 4-4-1975) cướp đi sinh mạng của 153 người, trong đó có 78 trẻ em!

Trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, rào cản nhân quyền được dựng lên từ sau năm 1975. Đó là chính sách bao vây cấm vận nghiệt ngã khiến kinh tế Việt Nam sau chiến tranh càng thêm khó khăn và Nhà nước không đủ các nguồn lực để bảo đảm những quyền kinh tế, xã hội tối thiểu cho người dân. Là việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo năm 2004 và 2005. Trong nhiều năm tiếp theo, dưới sức ép của những người cực hữu trong ủy ban đối Ngoại Hạ viện Mỹ, “dự luật nhân quyền Việt Nam” đã được trình ra Hạ viện nhưng không được Thượng viện chấp thuận, về mặt tư duy chính trị, rào cản về nhân quyền đối với Việt Nam là sự tiếp nối tư duy của thời kỳ “chiến tranh lạnh", kỳ thị với chế độ XHCN, thậm chí còn tìm nhiều cách hòng làm sụp đổ chế độ hiện hữu...

Có thể nói sau sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7-2013), Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện là bước khởi đầu cho cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có QCN. Sự khởi đầu cho việc hợp tác trên lĩnh vực QCN giữa hai quốc gia bắt nguồn từ sự thay đổi tư duy chính trị giữa lãnh đạo hai nước và những xu thế của thời đại ngày nay. Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 10-7-2015 được dư luận trong và ngoài nước đánh giá là sự kiện lịch sử vượt ngoài tầm vóc quan hệ song phương, mở ra một chương mới với nhiều cơ hội cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về những tư tưởng mang tính thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển nhiều mặt giữa hai quốc gia, trong đó có quyền con người. 

Khác với thời “chiến tranh lạnh”, tư duy chính trị nói chung, tư duy về nhân quyền nói riêng ngày nay dựa trên sự bình đẳng giữa các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, không phân biệt lớn nhỏ và vi lợi ích dân tộc trên cơ sở Hiến chương LHQ và hệ thống luật pháp quốc tế. Thực tế cho thấy QCN và quyền công dân đã được quy định trong hiến pháp của tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng. Các nhà nước phải là người chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo nhân quyền. Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này là biện pháp hỗ trợ quan trọng. Như nhiều chuyên gia đã nói: Không có quốc gia nào được xem là chuẩn mực về nhân quyền. Nói cách khác tất cả các quốc gia vẫn đang tồn tại những vấn đề nhân quyền của mình. Do đó mỗi nhà nước phải giải quyết những vấn đề đó theo cách thức của mình. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng không nằm ngoài thực tế đó. Năm 2013, Việt Nam đã có một bước phát triển quan trọng trong tư duy pháp lý lần đầu tiên Hiến pháp Việt Nam đã có một chương về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân", trong đó đã hiến định đầy đủ các nguyên tắc và nội dung QCN được quy định trong hai công ước quốc tế cơ bản: Công ước quốc tế về các quyền dân sự; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, năm 1966.

Đối với Hoa Kỳ ngoài vấn đề nhân quyền, chính trị hiện nay, như sự kỳ thị về chủng tộc, an ninh con người...vẫn còn những vấn đề nhân quyền trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo một thống kê đã có hơn 2 triệu người Mỹ đã tới Việt Nam; 1,6 triệu người trực tiếp tham chiến; 300.000 người bị thương, rất nhiều người gặp các vấn đề tâm lý (trong đó có “Hội chứng Việt Nam”); 2.387 người trong danh sách mất tích và hơn 58.000 người chết. Phải chăng đây là một gánh nặng về nhân quyền của nhà nước Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa hết trách nhiệm.

Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta với truyền thống nhân đạo, khoan dung đã sẵn lòng hợp tác với Hoa Kỳ góp phần giải quyết những vấn đề về nhân quyền của Hoa Kỳ. Tiêu biểu đó là những nỗ lực thậm chí cả hy sinh xương máu để tìm kiếm, hồi hương hàng vạn hài cốt binh sỹ Mỹ.

Tuy nhiên cơ hội quan trọng về nhân quyền giữa hai quốc gia, đó là sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Có tới hàng ngàn cán bộ công chức các cấp từ trung ương đến cơ sở đã được đào tạo về chính sách quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Có thể nói đây là một Dự án “kép” về nhân quyền, bỏi Dự án này không chỉ bảo vệ quyền cho nhóm người có HIV mà còn là dịp cán bộ, chuyên gia của hai quốc gia chia sẻ khái niệm về nhân quyền trong nhiều lĩnh vực khác.

Trong điều kiện hai quốc gia đã trở thành đối tác toàn diện, nhiều vấn đề nhân quyền sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, Hoa Kỳ đã và đang triển khai nhiều hoạt động như rà phá bom mìn, tẩy rửa chắt độc hóa học, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam...Việt Nam cùng phối hợp với đối tác Hoa Kỳ trong những hoạt động trên; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ để quốc gia này sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong thời gian không xa như nhiều quan chức Hoa Kỳ mong muốn.

Nguồn: KBC Hải ngoại

0 nhận xét:

Đăng nhận xét