Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

ĐỪNG NHÂN DANH LÒNG YÊU NƯỚC

Mấy năm trở lại đây, cứ đến dịp tháng 2 là mạng xã hội lại dậy sóng chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong rất nhiều những tưởng nhớ và tri ân thật sự thì không ít những kẻ cực đoan, mượn gió bẻ măng hoặc những thành phần yêu nước phong trào, chửi bới bầy đàn. Nào là chê chính quyền hèn nhát, chối bỏ lịch sử, nào diễu hành, biểu tình, nào phê phán báo chí không tuyên truyền, rồi đòi đưa biến cố 17-2 vào sách giáo khoa... 

Thực tế thì sao, mình tin chắc nhiều người gào thét trong đám đông đó chẳng hề đọc sách, đọc báo bởi các cuốn sách lịch sử, kể cả sách giáo khoa và các trang báo điện tử vẫn đăng thông tin về cuộc chiến này. Từ Chủ tịch nước đến lãnh đạo địa phương, cán bộ chiến sĩ biên phòng và nhân dân vẫn tổ chức dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ngã xuống tháng 2 của 37 năm trước. Có chăng là vì đại cuộc nên việc tuyên truyền, thể hiện tri ân những người lính và nhân dân hy sinh bảo vệ biên giới phía Bắc chưa được thỏa đáng như mong muốn...



Chủ tịch nước thắp hương tưởng niệm chiến tranh biên giới

Còn những thành phần cực đoan thì sao, khi mà không ít người vẫn nghĩ Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em, Lý Thường Kiệt họ hàng với Lý Liên Kiệt, không phân biệt nổi Hoàng Sa với Trường Sa, chẳng nhớ nổi chuyện gì về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thậm chí treo băng rôn lính Tàu để tưởng nhớ chiến sĩ ta... thì thử hỏi lòng yêu nước, đòi hòi lịch sử đó có chính đáng. Rồi trong đám đông hú hét đó, mình tin rằng không thiếu những thành phần lẩn trốn nghĩa vụ quân sự, buôn gian bán lận, lưu manh, lừa đảo, trộm cướp, tranh công đổ tội, tham phú phụ bần... sẵn sàng chà đạp lên lợi ích quốc gia, dân tộc và người khác. Yêu nước hay đòi hỏi chính nghĩa là điều đúng đắn nhưng phải khôn ngoan và thiết thực. Chúng ta từng bị giặc Pháp, Mỹ, Hàn, Nhật... xâm lăng, giày xéo, cướp bóc nhưng đến bây giờ ta đều bắt tay, hòa hảo, hợp tác với họ. Trong một bối cảnh toàn cầu đối thoại chứ không phải đối đấu thì việc kích động chiến tranh, gây chia rẽ tinh thần dân tộc là điều phản yêu nước.

Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ chối bỏ lịch sử cũng như sợ sệt với bất cứ kẻ thù nào. Nhưng điều chúng ta cần là gì? Một dân tộc trải qua mấy nghìn năm với hàng trăm cuộc chống trả xâm lăng, binh đao khói lửa liên miên và những tổn thất vô cùng đau thương. Một đất nước mới chỉ thực im tiếng súng mấy mươi năm, cuộc sống nhân dân mới đang dần ổn định, khởi sắc... Những ai đã từng qua chiến tranh sẽ đều hiểu rằng, nếu còn có thể xin hãy giữ hòa bình bằng mọi cách. Xương máu nào mà không của nhân dân, sinh mạng nào mà không của dân tộc, đau thương nào mà không của đất nước chúng ta. Bây giờ không phải cái thời mà cầm lá cờ phi đến đâu cắm xuống rồi có thể nói đây là lãnh thổ của nước tôi. Và cũng không phải cái thời cứ ném khăn mùi xoa xuống là xách súng ra sân nhà đấu một trận sinh tử, một mất một còn… Chúng ta phải sống vì một thế sự hòa bình, vì một đất nước thịnh vượng, một gia đình hạnh phúc và vì chính một cái thân ta được yên ổn. Máu và sinh mạng của nhân dân không phải để đánh đổi cho những điều phi lý, không có ý chí.

Chính người Tàu thường nói: "Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỹ" - Người quân tử gặp cảnh khốn cùng thì vững chí, kẻ tiểu nhân gặp cảnh khốn cùng thì phóng túng làm càn. Lúc biến thiên nguy hiểm, người Việt luôn vững chí, bình tâm và hành xử khôn khéo, hoà hiếu. Còn người Tàu không kể thời nào, thế nào, ngay lúc thái bình mà vẫn muôn sự làm càn, thì ắt hẳn sẽ tới ngày tai họa !

Một khi lòng người nước Việt còn yên, đoàn kết là sức mạnh, cùng nhau kết chặt bảo vệ quê hương thì... bố chúng mày không phá nổi cái hàng rào nhà ông ! Những người ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân sẽ luôn bất diệt. 

Hoàng Giang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét