Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

VIẾT CHO BIÊN GIỚI!

Trước tiên phải thú nhận mình là người sinh ra lớn lên từ vùng cao biên giới. Mình mê mải với đường biên, cột mốc và những người lính quân hàm xanh suốt hơn 10 năm qua. Những ngày này, người ta lại nói nhiều về biên giới phía Bắc với sự kiện 17-2-1979. Mình không nhắc chuyện chiến tranh nữa, chỉ kể vài câu chuyện về biên giới mà thôi.


Biên phòng Trung-Việt bắt tay trên đường biên giới
Mình đã rất uất ức, thất vọng vì ít nhất không dưới 3 lần, trong những chuyến đi vùng cao biên giới cùng mình, có thành viên trong đoàn đã thốt lên rằng: “Ôi trời, tưởng thế nào chứ, biên giới khỉ ho cò gáy, rừng thiêng nước độc, chó ăn đá, gà ăn sỏi thế này thì tranh chấp làm gì. Thôi không cắt luôn cho bọn nó một huyện, một tỉnh nào đó là yên chuyện. Tranh cãi, xung đột hàng bao nhiêu năm trời để làm gì…”. 

Nhiều lúc nghe xong những lời đó, mình chỉ muốn mở cửa để cho người vừa phát ngôn ra khỏi xe. Mới đây nhất, trong chuyến tình nguyện trước Tết lên biên giới Cao Bằng, có cô gái trong đoàn còn nói với mình thế này: “Trời ạ, em thấy trên này khổ sở quá, thiếu thốn đủ thứ. Sao người dân không chuyển về thành phố, về tỉnh mà ở cả đi. Rồi các cô giáo vùng cao nữa chứ, lên đây làm gì cho vất vả cả đời…”. Nói thực lòng là nghe xong, mình chỉ ước rằng, người vừa nói đó không mang quốc tịch Việt Nam.

Mình không thể hiểu nổi, họ ăn sung mặc sướng, chăn ấm đệm êm, lên xe xuống ngựa thế nào mà nghĩ thế. Đơn giản, nếu coi quốc gia là một ngôi nhà, họ có thể ngồi yên trên sa lông phòng khách xem phim hay không nếu cái hàng rào bên ngoài không có người trông giữ. Mình đã ngụ cư ở Thủ đô hơn chục năm, nơi mà đến cái ban công chờm ra vài cen ti mét, hay cái ống nước điều hòa thò nửa gang tay sang nhà hàng xóm là cũng có thể chửi bới, kiện cáo thậm chí đổ máu với nhau rồi. Thế mà họ nghĩ chuyện đường biên, cột mốc như mớ rau, nắm cỏ, không thích là ném toẹt đi luôn. Họ nghĩ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng cao cũng vị kỉ, cá nhân và tư lợi bản thân khi lao hết về miền xuôi mà sống thì biên giới chắc là bán cho ngoại bang?

Biên phòng hảo vị trù phương lược
Xã tắc ưng tu kế cửu an
(Phải có phương lược tốt phòng thủ biên giới
Cần tìm kế sách hay làm cho xã tắc yên ổn lâu dài)

Đây là hai câu trong bài thơ thứ hai Lê Thái Tổ viết khi đi giong thuyền ngược Đà giang để đánh dẹp tộc trưởng châu Mường Lễ (Lai Châu) Đèo Cát Hãn nổi dậy cát cứ vùng Tây Bắc. Năm 1432, ông vua họ Lê sau khi chấm dứt sự chi phối của nhà Minh, thu phục miền Tây Bắc đất nước đã chạm lên vách đá sông Đà lời răn dạy với non sông ở đỉnh núi Pú Huổi Chò (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu).

Tạm dịch rằng: 
Bọn quân điên cuồng sao dám tránh sự trừng phạt
Dân biên thùy đã từ lâu đợi ta đến cứu sống
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có
Đất đai hiểm trở từ nay không còn
Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ
Sông núi từ nay nhập vào bản đồ
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ phía Tây nước Việt ta.

Ngày nay, nhiều người sống ở thành phố, quen với hào nhoáng xa hoa, nên mỗi khi nghĩ về biên cương bờ cõi thì vẫn coi thường, xem nhẹ. Nhưng xin hãy nhớ lời đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói cách đây ngót 800 năm:
"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là họa nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu."
Còn mình, biên giới là nhà, mỗi lần nhớ biên giới mình thường đọc thơ anh Nguyễn Đức Lợi.

30 tết chỉ còn chùm sao khuyết
Chuyến hàng xuân về vừa kịp 0 giờ
Con ngựa xám hoá thành con ngựa tuyết
Đầu bạc phơ và chân cũng bạc phơ.

Chàng lính trẻ đón giao thừa trên chốt
Rời súng liền biên mười mấy phong thư
Khoe trộm: “Tết ở trên này rất tốt!”
Mừng quá quên cả viết bức tương tư.

Dưới trại chính chỉ huy vừa có khách
Vị già làng kiêm bố vợ của đồn
Từ núi Hổ Ngồi rượu ngô cắp nách 
Chúc chén đầu năm rồi báo việc ở thôn.

Miếng bánh sượng chẳng một ai kịp gắp
Kéo nhau đi trong gió giật mưa dầm
75 độ nước đã sôi săm sắp
Đĩa dưa hành chết yểu tự khi ngâm.

Đồn ở giữa độ cao 2000 mét
Suốt mùa đông ăn chẳng chín bao giờ
Ninh trên bếp cho đến khi cháy khét
Bắc nồi ra cơm hoá gạo trơ trơ.

Đào rừng nụ băng đóng từ tháng trước
Chờ nắng lên bừng nở trắng đường mây
Tiếng chân bước vội vàng theo chân bước
Hồn mê hồn chỉ từ chiếc lá cây.

Cứ đến tết lại có 3 nỗi nhớ
Nhớ ấm trà, nhớ cơm chín, nhớ quê
Cái rét ngấm đã hoá thành nết ở
Hoá nhành ban trong nhuỵ có câu thề...

Đường tuần tiễu lúc đâm sầm xuống vực
Lại nhiều khi như chọc giữa trời xanh
Khua vó ngựa vào trong tiếng ngực
Đón mùa xuân qua biên giới yên lành.

Hoàng Giang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét