Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Nói đường hỏng do không có xe lưu thông ở TP. HCM là "rất vô lý"

Từ nghiên cứu, TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, ở Việt Nam, xác suất các tuyến đường làm ra mà hỏng do không có phương tiện lưu thông là rất ít.


Trả lời đại biểu HĐND.TP về vấn đề đường mới nhưng đã xuống cấp, hư hỏng như đường Trần Văn Giàu, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, một trong số nguyên nhân đó là... không có xe lưu thông.
"Đường Trần Văn Giàu được thiết kế để kết nối với cầu nhưng do giải phóng mặt bằng chậm nên đoạn đường này không được lưu thông. Đường không lưu thông, nhựa không nổi lên dẫn đến hỏng đường", Giám đốc Sở GTVT TP HCM nói.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Nói đường hỏng do không có xe lưu thông ở TP. HCM là "rất vô lý"
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, chuyên gia có hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông cho rằng, ông không nhất trí hoàn toàn với trả lời của Giám đốc Sở GTVT TP HCM.
"Tôi đồng nhất ở chỗ là nếu con đường làm rồi, đúng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà không có ai, phương tiện đi qua hàng năm thì có thể giảm chất lượng.
Bởi, khi làm đường xong thì phương tiện đi qua chính là yếu tố tạo ra xung lực nén xuống, đồng thời, tạo ra độ bền cho đường.
Tuy nhiên, một tuyến đường ở một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh mà nói không có xe đi qua thì rất vô lý, không thể chấp nhận được. Theo tôi được biết thì vẫn có phương tiện đi qua, thậm chí nhiều phương tiện là khác", TS Thủy nói.
Theo TS Thủy, để đánh giá về nguyên nhân hỏng, bong, tróc, lún, sụt... của một tuyến đường thì phải có sự nghiên cứu, xem xét cụ thể.
"Nhưng như tôi đã nói, có thể có nhiều nguyên nhân nhưng không thể đổ cho không có phương tiện lưu thông dẫn đến đường hỏng được, vì lý do đó không khách quan.
Chưa kể, từ nghiên cứu của mình tôi có thể khẳng định, ở Việt Nam, xác suất các tuyến đường làm ra mà hỏng do không phương tiện lưu thông là rất ít.
Còn các tuyến đường đô thị, cao tốc, quốc lộ... của chúng ta nguyên nhân hỏng chủ yếu do phương tiện lưu thông quá nhiều.
Cùng với đó, dù phương tiện lưu thông nhiều nhưng nền móng không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, lu lèn không tốt, chất lượng nhựa đường không đảm bảo sẽ nhanh chóng lộ ra yếu kém, tức là mặt đường yếu đưa đến nứt, vỡ, lún, sụt, tạo rãnh...", TS Thủy nêu rõ.
TS Thủy nhấn mạnh thêm: "Việc trả lời đường hỏng do ít phương tiện đi lại cũng cho thấy tầm nhìn về giao thông đô thị ở đây có vấn đề.
Chúng ta làm một con đường ra mà phương tiện không lưu thông rõ ràng đã lỗ vốn, thất bại rồi".
Đồng quan điểm đó, KS Nguyễn Lâm Thành, đang công tác tại đơn vị chuyên thi công cầu đường ở Hà Nội cũng nhìn nhận, thực tế, trên thế giới cũng đã chứng minh nếu đường làm xong lâu mà không có phương tiện qua lại sẽ dẫn đến nhanh hỏng, tuy nhiên, ở Việt Nam rất ít xảy ra điều này.
"Nhất là các tuyến đường ở các thành phố lớn, đông đúc như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thì chắc chắn không có chuyện ít phương tiện qua lại.
Theo tôi, nên có cuộc khảo sát thực tế, xem tuyến đường này có thực sự ít phương tiện qua lại như lãnh đạo Sở nói không.
Từ việc khảo sát thực tế đó cũng sẽ cho thấy rõ, khách quan chất lượng đường ra sao, thi công có đảm bảo, đúng quy cách, tiêu chuẩn không", ông Thành nhìn nhận.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét