Một nghiên cứu của Viện Pasteur TP.HCM vừa công bố cho thấy 100% mẫu ớt bột bán trên thị trường đều nhiễm chất có thể gây ung thư aflatoxin.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đây là hoạt động giám sát chủ động có chủ đích và tập trung vào mẫu ớt khô có nguy cơ cao như không đóng gói, không xuất xứ rõ ràng.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đây là hoạt động giám sát chủ động có chủ đích và tập trung vào mẫu ớt khô có nguy cơ cao như không đóng gói, không xuất xứ rõ ràng.
100% mẫu ớt khô có chất gây ung thư
Cụ thể, trong 2 tháng 5 và 6, Viện Pasteur TP.HCM đã tiến hành thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô dạng bột, trong đó có 45 mẫu không nhãn mác, tại các chợ và tiệm tạp hóa thuộc 5 tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu. Kết quả nghiên cứu thì 100% mẫu ớt bột này đều có chất aflatoxin vượt ngưỡng cho phép.
Trong khoa học, chất aflatoxin được “định vị” là một trong những “thủ phạm” gây bệnh ung thư gan. PGS-TS Phan Trọng Lân cho rằng, nguyên nhân khiến chất aflatoxin vượt ngưỡng trong ớt bột do khí hậu nóng ẩm ở nước ta. Nếu việc canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản của nhà sản xuất, kinh doanh không đảm bảo, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc Aspergillus phát triển, sản sinh aflatoxin.
Ngoài ra, một số tài liệu khoa học cũng xác định, chất aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên do một số loài nấm mốc gồm 6 loại: B1, B2, G1, G2, M1 và M3, trong đó aflatoxin B1 là loại độc nhất. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM phát hiện 20,8% số mẫu vượt ngưỡng aflatoxin B1 quy định theo chuẩn kỹ thuật VN.
“Kết quả xét nghiệm vượt ngưỡng là dấu hiệu chỉ điểm, giúp rà soát lại chuỗi thực phẩm từ công tác canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản và sử dụng ở ớt khô không bao bì và không rõ nguồn gốc. Việc lấy mẫu để giám sát tập trung vào các mẫu có nguy cơ cao về nhiễm aflatoxin ở ớt khô không đại diện cho các loại ớt khô có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như không đại diện cho điểm kinh doanh, địa phương nơi lấy mẫu”, PGS-TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
PGS Lân cho rằng aflatoxin hiện có trong nhiều loại thực phẩm, nhưng quan trọng là hàm lượng vượt ngưỡng cho phép mới đáng báo động. Ước tính, khẩu phần ăn của người sống tại vùng Đông Nam Á có tổng lượng aflatoxin trung bình một ngày là 30 - 100 ng/kg thể trọng.
“So với người không nhiễm, người đồng nhiễm viêm gan siêu vi B và aflatoxin có nguy cơ ung thư tế bào gan cao gấp 30 lần”, PGS Lân nói và cho rằng, với lượng aflatoxin được phát hiện cao nhất trong các mẫu ớt khô của đợt nghiên cứu vừa rồi là 46,57 µg/kg, thì hằng ngày một người bình thường 50 kg ăn hết khoảng một cốc dung tích 100 ml ớt khô có phơi nhiễm tương đương hàm lượng aflatoxin bình quân của một người sống tại vùng Đông Nam Á.
Lỗ hổng ở khâu bảo quản
Đặc biệt, theo TS Văn Hạnh - chuyên gia hóa sinh, ngoài ớt, ở đậu phộng, độc tố aflatoxin hình thành mạnh nhất. Mọi thay đổi bất thường xuất hiện trên hạt đậu phộng đều là nguy cơ nhiễm độc nấm aflatoxin. Thực tế, loại nấm này có thể xâm hại đến cây trồng ngay trên đồng ruộng sau những trận mưa. Thứ hai, trong quá trình thu hoạch và cả sau thu hoạch, các loại nông sản không được bảo quản đúng cách, nhất là để độ ẩm cao, là cơ hội cho nấm độc sinh sôi nảy nở. Đậu phộng mốc dù được chế biến ở nhiệt độ cao, ăn vào vẫn có thể gây nguy hiểm.
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, nhấn mạnh, việc thực phẩm bị nhiễm khuẩn, hóa chất độc hại, chất cấm, chất bảo vệ thực vật... là rất đáng lo ngại hiện nay. Vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ thực phẩm theo chuỗi và có thể truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh quản lý mặt khoa học, tức là nghiên cứu xét nghiệm cảnh báo, việc siết quản lý chất lượng sản phẩm trên thị trường là cực kỳ quan trọng. Thực tế, các chợ truyền thống, chợ tạm, tiệm tạp hóa... đa phần những nơi có điều kiện bảo quản, vệ sinh chưa được tốt, là “cái nôi” phát sinh nấm mốc.
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, điểm then chốt là quản lý tốt chuỗi thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, trong suốt quá trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản (bao gồm cả việc bảo quản tại hộ gia đình), chế biến và sử dụng. Với nhà quản lý, cần chỉ điểm mối nguy, tiến hành thanh kiểm tra các sản phẩm vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia không để lưu hành vào thị trường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét